Chào mừng bạn đến với Kinh Thánh
Bởi Steven L. Pogue
Kinh Thánh không chỉ để học hỏi; mà là để sống. – Lawrence O. Richards
Bạn có muốn biết Chúa thực sự nghĩ gì về bạn không? Hay bạn nên nghĩ như thế nào về Chúa? Bạn có thể tìm hiểu… trong Kinh Thánh!
Kinh Thánh là thông điệp rất cá nhân của Đấng tạo dựng hoàn vũ. Kinh Thánh không chỉ thu hút sự chú ý của bạn cách bình thường vì đây là Lời hằng sống của Đức Chúa Trời. Theo một cách gần như kỳ lạ, những câu Kinh Thánh bạn đọc hôm nay có thể áp dụng trực tiếp cho các vấn đề của bạn.
“Vì lời của Đức Chúa Trời là lời sống động và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, xuyên thấu đến nỗi phân chia hồn với linh, khớp với tủy, phán đoán các tư tưởng và ý định trong lòng.” (Hê-bơ-rơ 4:12)
Kinh Thánh tự giải thích cách được viết ra như thế nào
“Không có lời tiên tri nào trong Kinh Thánh được giải thích theo ý riêng của một người nào, vì không có lời tiên tri nào đến bởi ý người, nhưng người ta được Đức Thánh Linh cảm thúc nói ra từ Đức Chúa Trời.” (II Phi-e-rơ 1:20,21). Những câu này áp dụng cụ thể cho những lời tiên tri trong Cựu Ước, nhưng toàn bộ Kinh Thánh được thần cảm: “Cả Kinh Thánh đều được Đức Chúa Trời cảm thúc…” (II Ti-mô-thê 3:16).
Từ cảm thúc có nghĩa đen là “được Đức Chúa Trời hà hơi”. Từ chính sự sống của Đức Chúa Trời, hơi thở của Ngài, những lời trong Kinh Thánh đã ra đời. Bạn có thể tìm thấy những cuốn sách khác truyền cảm hứng để đọc vì chúng xúc động về mặt trí tuệ hoặc cảm xúc, nhưng chúng không phải là lời của Đức Chúa Trời. Chỉ có Kinh Thánh là lời của Đức Chúa Trời mà thôi.
Kinh Thánh bày tỏ những gì Chúa muốn bạn biết về Ngài và về cuộc sống. Nó chứa đựng những lời hứa: những điều mà Đức Chúa Trời phán hứa Ngài sẽ làm cho bạn. Đây chỉ là một vài lời hứa của Đức Chúa Trời dành cho bạn:
- Đức Chúa Trời sẽ sử dụng mọi điều trong cuộc đời bạn vì ích lợi cho bạn, khiến bạn trở nên giống hình ảnh của Đấng Christ (Rô-ma 8:28,29)
- Ngài sẽ luôn ở cùng bạn (Ma-thi-ơ 28:20)
- Ngài sẽ ban cho sự khôn ngoan cách rộng rãi nếu bạn cầu xin (Gia-cơ 1:5)
- Ngài sẽ cung ứng mọi nhu cầu trong đời sống bạn (Phi-líp 4:19)
- Ngài đã biết nhu cầu của bạn trước khi bạn cầu xin Ngài (Ma-thi-ơ 6:32)
- Sự bình an của Ngài sẽ coi sóc bạn trong suốt cuộc đời khi bạn cầu nguyện với lòng biết ơn (Phi-líp 4:4-7)
Với hầu hết các cuốn sách, bạn học tốt nhất khi bắt đầu từ trang thứ nhất. Bạn sẽ nghĩ rằng nơi tốt nhất để bắt đầu học Kinh Thánh là ở trang đầu tiên của sách Sáng thế ký. Suy cho cùng, Sáng thế ký có nghĩa là “sự khởi đầu”. Nhưng Kinh Thánh không được sắp xếp theo trình tự thời gian. Những cuốn sách của Kinh Thánh được đặt trong các hạng mục. Bạn có thể muốn đọc Kinh Thánh theo trình tự được đề xuất ở cuối bài viết này. Thứ tự này được thiết kế để giúp bạn hiểu rõ các chủ đề chính của Kinh Thánh và giúp bạn làm quen với phần lớn lịch sử của Kinh Thánh.
Đấng Christ là chìa khóa để hiểu Kinh Thánh
Cựu Ước trông đợi ngày Đấng Christ đến. Các sách Phúc Âm (Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca và Giăng) tiết lộ danh tính và sứ mệnh của Ngài, và phần còn lại của Tân Ước giải thích ý nghĩa của đời sống mới đó trong Đấng Christ. Để hiểu Cựu Ước, bạn phải bắt đầu với Tân Ước.
Chúa Giê-xu nói rằng Ngài đến để ban cho chúng ta sự sống sung mãn và một phần của kinh nghiệm đó là bởi việc biết và làm theo Lời Ngài. Chúa Giê-xu phán: “Nếu các con tiếp tục vâng lời Ta dạy, các con mới thật là môn đệ Ta.” (Giăng 8:31)
Chính là khi ai đó chia sẻ Lời Đức Chúa Trời với chúng ta mà chúng ta trở thành Cơ đốc nhân. “Anh chị em đã được tái sinh không phải bởi sự sống dễ hư hoại, nhưng do Lời Sống bất diệt của Đức Chúa Trời.” (I Phi-e-rơ 1:23) Và chúng ta tiếp tục lớn lên như vậy, nhờ lời Ngài, điều mà Ngài gọi là thức ăn của chúng ta. “Như trẻ sơ sinh, anh chị em hãy khao khát sữa thiêng liêng thuần khiết, để nhờ đó anh chị em càng tăng trưởng trong sự cứu rỗi. Nếm biết sự nuôi dưỡng này, bấy giờ anh chị em sẽ biết sự ngọt ngào của lòng nhân từ của Chúa.” (I Phi-e-rơ 2:2,3)
Cả Thi Thiên chương 119 đều nói về giá trị của việc học hỏi Lời Đức Chúa Trời. Đây là một vài lý do rút ra từ chương ấy: “Con giấu lời Chúa trong lòng con. Để con không phạm tội cùng Chúa.” (câu 11) “Con yêu mến luật pháp Chúa biết bao! Trọn ngày con suy ngẫm luật pháp ấy. Các điều răn Chúa làm cho con khôn ngoan hơn kẻ thù con, vì các điều răn ấy ở cùng con luôn luôn. Con thấu hiểu hơn tất cả những người dạy con, vì con suy ngẫm các chứng ước Chúa.” (câu 97-99) “Lời Chúa là ngọn đèn cho chân con, Ánh sáng cho đường lối con.” (câu 105)
Đọc Kinh Thánh là một sự luyện tập trí tuệ, liên quan đến tâm trí của bạn. Nhưng để hiểu và áp dụng sự dạy dỗ thuộc linh, bạn cần có sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh. Khi bạn đọc Kinh Thánh, hãy cầu nguyện, xin Đức Thánh Linh bày tỏ rõ ràng cho bạn điều Ngài muốn bạn biết: “Khi Thần Chân lý đến, Ngài sẽ dẫn các con vào mọi chân lý; vì Ngài không tự mình nói, nhưng sẽ nói những gì mình nghe, và công bố cho các con những gì sẽ đến.” (Giăng 16:13). Hãy phát triển một tinh thần trông đợi – Chúa muốn dạy bạn qua Lời của Ngài. Nhưng đừng dựa vào cảm tính. Tôi đã có một số khoảng thời gian học Kinh Thánh tuyệt vời nhất khi tôi quyết định sẽ tiếp tục đọc thêm mười lăm phút nữa mặc dù mười lăm phút trước đó “chán ngắt”.
Nếu việc học hỏi Kinh Thánh mang tính đều đặn hàng ngày, nó sẽ trở thành một thói quen trong đời sống bạn. Hãy tìm một nơi bạn không bị phân tâm. Hãy sáng tạo và chọn thời điểm trong ngày khi bạn tỉnh táo nhất và có thể dành thời gian cho Chúa. Hãy nhớ rằng bạn đang theo đuổi mối quan hệ với Chúa và bạn muốn trò chuyện với Ngài. Viết nhật ký để ghi lại những gì Chúa dạy bạn. Viết xuống giúp sắp xếp suy nghĩ của bạn, cũng như mang lại cho bạn điều gì đó mà bạn có thể xem lại vài tháng sau.
Đức Chúa Trời sẽ tôn trọng thời gian bạn dành cho Ngài và bạn sẽ thấy mình lớn lên trong đức tin. Đó sẽ là thời gian được sử dụng tốt.
Trình tự đọc Kinh Thánh được đề xuất:
- Giăng
- I Giăng
- Rô-ma
- Ga-la-ti
- Ê-phê-sô
- Phi-líp
- Cô-lô-se
- Lu-ca
- Công vụ các sứ đồ
- I Tê-sa-lô-ni-ca
- II Tê-sa-lô-ni-ca
- I Ti-mô-thê
- II Ti-mô-thê
- Gia-cơ
- Mác
- I Cô-rinh-tô
- II Cô-rinh-tô
- Sáng thế ký
- Xuất Ai Cập
- Giô-suê
- Châm Ngôn
- I Sa-mu-ên
- II Sa-mu-ên