×
TÌM KIẾM

Cách Đức Chúa Trời Phán Với Chúng Ta Qua Kinh Thánh

Mọi lời của Đức Chúa Trời đều được tinh luyện; Ngài là cái khiên cho người nương cậy nơi Ngài. (Châm ngôn 30:5)

Bởi Marilyn Adamson

Tôi kinh ngạc trước sự hướng dẫn mà Chúa ban cho chúng ta. Bằng cách học hỏi từ sự khôn ngoan và thông sáng của Đức Chúa Trời, chúng ta có thể sống thoát khỏi nhiều vấn đề mà người khác gặp phải chỉ vì họ không biết Lời Ngài. Qua Kinh Thánh, chúng ta biết được Đức Chúa Trời là ai, Ngài coi trọng điều gì, làm sao để tin cậy Ngài.

Tôi muốn chia sẻ với bạn một cách tuyệt vời để lắng nghe Chúa qua Kinh Thánh.

Tôi lấy cuốn Kinh Thánh của mình và một tờ giấy có dòng kẻ (hoặc một cuốn nhật ký có dòng kẻ trắng). Ở đầu trang giấy, tôi sẽ viết ra hai hoặc ba câu mô tả những gì tôi đang nghĩ. Tôi có thể có một câu hỏi về Chúa, hoặc về quan điểm của Ngài đối với một điều gì đó, hoặc một câu hỏi về đời sống Cơ Đốc Nhân. Hoặc có thể có một tình huống nào đó trong cuộc sống khiến tôi bận tâm và tôi thực sự có thể sử dụng sự hiểu biết sâu sắc của Đức Chúa Trời để nghĩ về điều đó. Trên trang giấy đó, tôi sẽ viết một vài câu để tóm tắt tình hình trạng tại hoặc điều gì đã khiến tôi thắc mắc.

Sau đó, tôi hỏi Chúa một câu hỏi về điều đó, và tôi cũng viết câu hỏi đó xuống giấy.

Những gì tôi đã viết đại loại như thế này:

“Chúa ơi, con cảm thấy choáng ngợp với tất cả những gì mình phải làm. Con phải việc này, việc này và việc kia; và con không chắc mình có thể hoàn thành tất cả. Con cũng cảm thấy tức giận. Chúa có điều gì muốn dạy dỗ con về góc nhìn của Chúa cho những việc này không?”

Rồi sau đó tôi mở chính mặt sau của Kinh Thánh, nơi thường có một danh sách các từ ngữ trong một bảng mục lục, trong cái thường được gọi là “bản đối chiếu”. Kinh Thánh của bạn có không nhỉ? Mục lục này sẽ liệt kê những từ như: “việc làm”, “giận dữ”, “lo lắng”, “sức mạnh của Đức Chúa Trời”, v.v. Dưới mỗi từ, bạn sẽ thấy một danh sách các câu Kinh Thánh có chứa từ đó. Ví dụ, từ “tức giận” có thể hiển thị một danh sách: Mác 3:5; Mác 11:14-16; Rô-ma 2:8; Ma-thi-ơ 23;…

[Lưu ý thêm: Đôi khi, thay vì nhìn vào mặt sau của cuốn Kinh thánh, tôi có thể tìm kiếm các từ/chủ đề trực tuyến tại Biblegateway. Tôi chỉ cần gõ từ “giận dữ” (ví dụ) vào ô “Tìm kiếm” và nó sẽ cho tôi một danh sách các câu. Nếu muốn, tôi có thể giới hạn tìm kiếm của mình trong Tân Ước, Phúc âm, v.v.]

Cho dù tôi đã tìm kiếm các câu này trên mạng hay ở mặt sau của cuốn Kinh Thánh, thì đây là điều tôi sẽ làm tiếp theo. Tôi tra cứu các câu trong Kinh Thánh và đọc từng câu. Nếu một câu có vẻ liên quan đến câu hỏi của tôi, tôi viết nó ra giấy, từng chữ một. (Vâng, tôi làm điều này bằng tay vì nó giúp tôi chú ý đến những gì mà câu Kinh Thánh đang nói.) Tôi không viết bất kỳ lời bình luận nào về câu Kinh Thánh. Tôi chỉ đang viết ra câu đó mà thôi. Và tôi sẽ tiếp tục chép các câu Kinh Thánh, có thể là 5 câu, có thể là 20 câu. Sau một thời gian, tôi có thể nhìn thấy một khuôn mẫu, một thông điệp tổng thể thông qua những câu Kinh Thánh đó (ý tôi không phải là điều gì thần bí, ý tôi là một bản tóm tắt ý nghĩa những gì những câu đó đang nói). Tôi đã cầu xin Chúa dạy tôi, và bây giờ tôi đang quan sát những gì Ngài đang nói về chủ đề này.

Ví dụ, nếu tôi tức giận với ai đó và đã tra cứu rất nhiều câu về sự tức giận, sự tha thứ hoặc hòa bình, tôi có thể sẽ tìm thấy một thông điệp tổng thể, nhất quán từ Chúa. Thông điệp đó có thể là vì Chúa Giê-xu đã trả giá cho tội lỗi của tôi và Ngài không giữ tội lỗi đó chống lại tôi, nên tôi cũng cần phải tha thứ cho người này, giống như Ngài đã tha thứ cho tôi.

Đôi khi, Đức Chúa Trời sẽ khiến một câu Kinh Thánh thực sự đụng chạm, nơi mà Ngài thực sự phán với tôi trong câu đó. Khi tôi bắt gặp những câu đặc biệt thú vị, tôi thường “tham khảo chéo” những câu đó. Điều tôi muốn nói là, tôi sẽ tìm những câu khác có thể nói về cùng một ý tưởng. Trong nhiều cuốn Kinh Thánh để nghiên cứu, bạn sẽ tìm thấy danh sách các câu ở giữa trang hoặc ở cuối trang. Những câu này giống như chú thích hoặc tài liệu tham khảo liên quan đến các câu trên trang đó. Vì vậy, khi một câu thực sự nổi bật đối với tôi, tôi sẽ tra cứu những câu khác có liên quan đó và viết chúng ra.

Đôi khi tôi có thể chỉ dành 10-15 phút cho việc này, hoặc đôi khi tôi có thời gian rất thoải mái thì tôi có thể dành đến một tiếng rưỡi!

Và đây là quan trọng. Tôi xin Chúa dạy tôi. Tôi xin Ngài giúp tôi hiểu quan điểm của Ngài về một điều gì đó, vì tôi muốn đi theo Ngài. Tuy nhiên, khi làm điều này, tôi KHÔNG tìm kiếm những câu Kinh Thánh mà tôi sẽ tự mình thực hành cho Đức Chúa Trời. Đây không phải là bản mô tả công việc mà tôi sẽ nhận và thực hiện VÌ Chúa. Tôi chủ yếu tập trung vào việc để Chúa nói với tôi theo bất cứ cách nào Ngài muốn, để hoàn thành bất kỳ mục đích nào của Ngài. Tôi đang cầu xin Ngài thiết lập kế hoạch của Ngài, không phải của riêng tôi. Khi tôi biết Ngài muốn tôi làm theo một điều gì đó cụ thể trong Lời Ngài, thì tôi cầu xin Ngài hành động trong đời sống tôi và ban cho tôi sức mạnh cũng như ước muốn làm theo ý muốn của Ngài. Khi tôi đọc một mệnh lệnh chẳng hạn như: “Phải hết sức khiêm nhu, mềm mại và nhẫn nhục, hãy chịu đựng lẫn nhau trong tình yêu thương.” tôi nghĩ, “Ý này ​​hay quá. Lạy Chúa, con xin Chúa tác động trong cuộc đời con để khiến con trở nên khiêm nhường, dịu dàng và kiên nhẫn với người khác. Chúa biết đó, bản chất của con không phải như vậy với tất cả mọi người. Xin dạy con làm thế nào." Nói cách khác, tôi tiếp tục tin cậy Ngài, tiếp tục nương cậy nơi Ngài, cầu xin Chúa thực hiện trong cuộc đời tôi điều Ngài vừa phán với tôi.

Nếu bạn không có một cuốn Kinh Thánh để nghiên cứu (Study Bible - tiếng anh) với phần “đối chiếu” ở phía sau và phần “tham khảo chéo” trên mỗi trang, bạn có thể tìm mua một cuốn có giá trị, để bạn có thể tiếp cận Lời Đức Chúa Trời theo cách này. Bất kỳ hiệu sách Cơ Đốc nào cũng có thể giúp bạn chọn một cuốn không quá đắt, hoặc bạn có thể tìm mua ở hiệu sách trực tuyến tại Bibles.com.

Đây là một cách rất đơn giản để xin Chúa dạy bạn qua Lời của Ngài. Tóm lại, bạn đến với Đức Chúa Trời với tấm lòng rộng mở, xin Ngài phán với bạn về một chủ đề hoặc câu hỏi cụ thể. Bạn chia sẻ những suy nghĩ và cảm xúc chân thật của mình với Chúa. Và sau đó bạn xin Chúa nói với bạn từ quan điểm của Ngài. Đôi khi tôi sẽ hỏi: “Chúa ơi, Chúa muốn con biết điều gì về Ngài, liên quan đến tình huống này? Chúa muốn con tin tưởng Ngài như thế nào? Chúa muốn nói gì với con?” Và sau đó bạn cho Chúa thời gian khi bạn viết ra Lời của Ngài, khi bạn tìm kiếm thông điệp tổng quát của Ngài dành cho bạn. Khi Ngài dạy dỗ bạn, hãy cảm tạ Ngài và cầu xin Ngài xây dựng điều đó trong đời sống bạn.