Bản chất của đức tin
Bởi Dave Lowe
Mỗi ngày chúng ta liên tục thực hành đức tin. 99% mọi niềm tin hay giá trị chúng ta có đều do đức tin nắm giữ. Đức tin là trung tâm của tất cả mọi điều trong cuộc sống. Ví dụ, giả sử bạn bị ốm. Bạn đến gặp một bác sĩ có cái tên mà bạn không thể phát âm cũng như có tấm bằng mà bạn chưa bao giờ xác minh được. Anh ấy đưa cho bạn một đơn thuốc mà bạn không thể đọc được. Bạn mang nó đến cho một dược sĩ mà bạn chưa bao giờ biết, và ông ấy đưa cho bạn một hợp chất hóa học mà bạn không thể hiểu được. Sau đó, bạn về nhà và uống thuốc theo hướng dẫn trên lọ thuốc. Suốt khoảng thời gian ấy là bạn đang tin vào một đức tin chân thành. Đức tin cũng là trung tâm của đời sống Cơ Đốc Nhân. Từ đức tin xuất hiện 232 lần trong Kinh Thánh.
Đức tin là gì?
Trước hết, tôi thiết nghĩ sẽ hữu ích nếu cho bạn biết đức tin không phải là điều gì.
- Đức tin không phải là một cảm xúc, tức là cảm nhận tốt về Chúa.
- Đức tin không phải là một bước nhảy mù quáng trong đêm, bất chấp sự thật.
- Đức tin không phải là một sức mạnh vũ trụ mà bạn sử dụng để cho phép bản thân đạt được những điều mình muốn trong cuộc sống.
Thật không may, một số hội thánh thậm chí đang giảng dạy về đức tin như vậy.
Hank Hanegraaff trong cuốn sách Cơ Đốc Giáo trong Khủng hoảng kể câu chuyện về Larry và Lucky Parker, những người đã giữ không cho đứa con trai mắc bệnh tiểu đường của họ dùng insulin, vì họ được cho biết rằng nếu họ chỉ cần có đức tin (nếu họ chỉ sử dụng nguồn sức mạnh ấy) thì cậu bé sẽ được chữa lành. Đáng thương thay, con trai của họ rơi vào tình trạng hôn mê do tiểu đường và qua đời. Thay vì cử hành tang lễ, họ tổ chức nghi thức phục sinh, tin rằng nếu họ có đủ đức tin, nghĩa là nếu họ nói những điều đúng và chỉ đơn giản là đủ tin tưởng mà không có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ nào, thì sức mạnh của đức tin sẽ mang con trai họ trở về từ cõi chết. Larry và Lucky Parker sau đó đã bị xét xử kết tội ngộ sát và lạm dụng trẻ em. Tại sao? Bởi vì họ đã có một quan niệm sai lầm về đức tin.
Các sách Phúc Âm trong Tân Ước (Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca, Giăng) cho thấy các môn đồ cũng thường bối rối về đức tin. Tuy nhiên, họ đủ khôn ngoan để hỏi Chúa Giê-xu về điều đó. Trong Lu-ca 17, bạn thấy các môn đồ cầu xin Chúa Giê-xu thêm đức tin cho họ. Và đây là lời đáp của Chúa Giê-xu dành cho họ:
“Nếu các con có đức tin bằng một hạt cải, các con có thể bảo cây dâu này rằng: ‘Hãy nhổ lên mà trồng xuống biển’ thì nó sẽ vâng lệnh các con.” Câu trả lời của Chúa Giê-xu thật thú vị. Hãy để ý rằng Ngài không nói một số điều mà chúng ta quen nói trong hội thánh. Chúa Giê-xu không nói: “Con chỉ cần cố gắng hơn nữa”. Chúa Giê-xu cũng không nói: “Các con chỉ cần tin”. Câu trả lời của Chúa Giê-xu bày tỏ một lẽ thật quan trọng về bản chất của đức tin. Hạt cải là loại hạt nhỏ nhất. Chúa Giê-xu dùng thực tế đó để minh họa rằng tầm cỡ đức tin của bạn không quan trọng. Thay vào đó…sức mạnh của đức tin nằm ở độ đáng tin cậy của đối tượng đức tin chứ không phải ở mức độ tin cậy của bạn.
Hãy để tôi minh họa những gì tôi muốn nói. Giả sử tôi đang đứng trên bờ hồ vào những tuần lạnh giá đầu tiên của mùa đông ở vùng Đông Bắc nước Mỹ. Hồ bị đóng băng với một lớp băng rất mỏng. Đầy đức tin cộng với sự tự tin, tôi bước một bước đi qua lớp băng mới đóng. Đáng tiếc là dù tôi vô cùng tự tin và “đầy đức tin” thì kết quả lại là một cú sốc lạnh người. Chừng nào lớp băng còn mỏng thì dù tôi có bao nhiêu đức tin đi nữa cũng không quan trọng. Lớp băng không đáng tin cậy.
Bây giờ hãy tưởng tượng một vài tháng sau, sau khi mùa đông lạnh giá thực sự bắt đầu. Lớp băng bây giờ dày cả mét khi tôi đứng ở rìa hồ. Vì có kinh nghiệm trong quá khứ nên tôi cực kỳ thận trọng khi nghĩ đến việc bước đi qua băng. Tôi không chắc liệu băng có giữ được tôi không. Suy cho cùng, trước đây điều đó đã không xảy ra. Mặc dù tôi sợ hãi và “ít đức tin” hơn so với trước đây, nhưng bước đi do dự dù nhỏ nhất cũng sẽ được đền đáp bằng cảm giác vững vàng. Có gì khác biệt nhỉ? Đối tượng của đức tin đáng tin cậy hơn.
Đúng là sức mạnh của đức tin nằm ở độ đáng tin cậy của đối tượng. Tuy nhiên…
Độ tin cậy của một người vào một đối tượng tỷ lệ thuận với sự hiểu biết về đối tượng đó.
Ví dụ, hãy xem xét một người đàn ông sợ bay. Lần đầu tiên đến sân bay, ông ta mua bảo hiểm tại một trong những máy bán hợp đồng bảo hiểm vận hành bằng đồng xu. Ông ấy đã thắt dây an toàn 20 phút trước khi máy bay cất cánh và chắc chắn sẽ lắng nghe cẩn thận “hướng dẫn khẩn cấp” thông thường. Ông ta không có niềm tin vào khả năng của chiếc máy bay để đưa mình tới điểm đến. Nhưng, khi chuyến bay khởi hành, vị hành khách này bắt đầu thay đổi. Đầu tiên ông ấy tháo dây an toàn, sau đó ăn trưa, và chẳng mấy chốc ông ấy nói chuyện và đùa giỡn với người bên cạnh. Tại sao có sự thay đổi như vậy? Chuyện gì đã xảy ra? Có phải là có nhiều niềm tin hơn ở độ cao hơn 10 ngàn mét không? Dĩ nhiên là không. Ông ta càng hiểu biết nhiều về đối tượng của đức tin, tức là chiếc máy bay, thì ông càng tin cậy vào đối tượng đó.
Đời sống Cơ Đốc Nhân cũng tương tự như vậy. Càng biết nhiều về Chúa, chúng ta càng có thể đặt nhiều đức tin nơi Ngài hơn. Hãy học cách sống theo những lẽ thật của Lời Chúa hơn là theo cảm xúc của bạn. Hãy dành thời gian đọc Kinh Thánh để quan sát, cầu xin Chúa bày tỏ cho bạn nhiều hơn về Ngài là ai. Thi thiên 145, 146 và 147 là ba chương tuyệt vời mô tả Đức Chúa Trời là ai. Trong Kinh Thánh, hãy cầu xin Chúa dạy bạn nhiều hơn về chính Ngài và đặc biệt chú ý đến cách Ngài muốn bạn tin cậy Ngài. Trong bất kỳ tình huống cụ thể nào, hãy hỏi Chúa: “Điều gì về Ngài khi con biết thì sẽ hữu ích cho con, vì con tin cậy Ngài trong hoàn cảnh này?” Hãy đến với Kinh Thánh và trở thành học trò của Chúa và mối quan hệ của Ngài với bạn.
D.L. Moody đã từng nói: “Tôi thường cầu nguyện hàng ngày xin Chúa ban cho tôi đức tin. Rồi một ngày nọ, tôi đọc Rô-ma 10:17, câu này nói rằng ‘đức tin đến từ những điều người ta nghe lời của Đức Chúa Trời’. Vì vậy, tôi bắt đầu đọc Kinh Thánh và kể từ đó đức tin ngày càng gia tăng”.