×
TÌM KIẾM

Đức Chúa Trời thay đổi chúng ta như thế nào

Bởi Ney Bailey

Thỉnh thoảng, chúng ta đều thấy những lĩnh vực trong đời sống mà mình phải tranh chiến; những lĩnh vực mà chúng ta ước gì có thể khác đi. Đó có thể là những thất bại về đạo đức hay những thói quen khiến chúng ta nản lòng. Đức Chúa Trời muốn chúng ta đối diện với những lĩnh vực đó như thế nào? Có cách nào để tìm thấy sự tự do và thay đổi thực sự không? Câu trả lời là có. Những gì tôi hiểu được về ân điển của Chúa đã tạo ra một sự khác biệt mạnh mẽ trong cuộc đời tôi. Và tôi tin rằng nó có thể tạo ra sự khác biệt mạnh mẽ trong cuộc đời bạn.

Khi bạn nghe từ “ân điển”, điều gì đến với tâm trí bạn? Tôi nghĩ định nghĩa tốt nhất mà tôi tìm được là của tác giả Joseph Cooke, ông đã viết: “ n điển là điều không hơn không kém bộ mặt mà tình yêu khoác trên mình khi gặp phải sự không hoàn hảo, yếu đuối, thất bại, tội lỗi.”1

Ân điển là gì?

Đó là một đặc tính trong tấm lòng của Đức Chúa Trời khiến Ngài không đối xử với chúng ta theo như tội lỗi của chúng ta, hoặc báo ứng chúng ta theo như sự gian ác của chúng ta. Đó là sự thành tín của Đức Chúa Trời đối với chúng ta, ngay cả khi chúng ta không trung tín. Trên thực tế, đó là điều mà tình yêu luôn phải có khi nó gặp những người khó yêu, yếu đuối, kém cỏi, không xứng đáng và đáng khinh. Đức Chúa Trời sẵn sàng đáp ứng nhu cầu mà không đòi hỏi công lao. Đó là sự ưu ái không xứng đáng.

Ân điển của Đức Chúa Trời tuôn đổ tình yêu thương, sự nhân từ, ân huệ cho tất cả những ai tin cậy nơi Ngài. Bạn không cần phải làm gì để có được ân điển. Bạn chỉ cần ở trong mối quan hệ với Ngài để nhận được ân điển của Ngài.

Chúng ta cần ân điển của Chúa nhất khi chúng ta nhận thức được những khía cạnh trong cuộc sống của mình mà chúng ta biết là sai—những điều như: những quyết định sai lầm, những thói quen, hành vi mà chúng ta xấu hổ, những lĩnh vực chúng ta muốn Chúa thay đổi, nhưng chúng ta có thể sợ Ngài lên án. Nếu chúng ta đã tiếp nhận Đấng Christ vào lòng mình, thì chúng ta đã được tuyên xưng là thuộc về Ngài, được tha thứ và bây giờ ở dưới ân điển của Ngài. Chính ân điển của Ngài giải phóng chúng ta và thay đổi chúng ta. Đây là lý do tại sao việc biết Kinh Thánh nói gì về ân điển của Đức Chúa Trời là rất quan trọng.

Tất cả chúng ta đều biết rằng bên trong chúng ta có một phần tốt và một phần xấu. Chúng ta có phần mà chúng ta muốn cả thế giới nhìn thấy—khi chúng ta cư xử đúng mực nhất. Và chúng ta cũng có một phần mà chúng ta muốn che giấu hơn—những điều mà chúng ta xấu hổ.

Chúng ta đang sống trong nền văn hóa hướng tới tự hoàn thiện bản thân. Chúng ta dành nhiều thời gian và năng lượng để phân tích bản thân và cố gắng tìm ra cách cải thiện phần chưa tốt của mình. Chúng ta đi mua sắm hoặc đến phòng tập thể dục để dồn thời gian, sức lực và tiền bạc vào việc cải thiện những gì chúng ta cho là kém thiếu. Còn phần chúng ta không thể cải thiện, hoặc chúng ta chưa cải thiện, chúng ta có xu hướng che giấu đi.

Ẩn giấu trong sự xấu hổ

Bạn đã bao giờ rơi vào tình huống mà bạn đang tìm hiểu ai đó, và rồi sâu thẳm bên trong bạn nói: “Tôi hy vọng họ không phát hiện ra điều này về tôi?”. Hoặc bạn có thể nói với một người bạn tốt: “Làm ơn đừng nói điều này với ai cả.” Khi bước vào mối quan hệ với Chúa, chúng ta có thể nghĩ rằng Ngài cũng giống như chúng ta. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta cần che giấu phần xấu xa của mình với Ngài. Tuy nhiên, nếu cố gắng che giấu những phần không thể chấp nhận được trong nhân cách của mình, thì chúng ta có thể mất kết nối với con người thật của mình và có thể mất kết nối với Đức Chúa Trời.

Đức Chúa Trời thì không như vậy. Đường lối của Ngài không phải là đường lối của chúng ta. Chúa không chấp nhận phần tốt của chúng ta rồi từ chối phần xấu của chúng ta. Ngài nhìn thấy toàn bộ con người chúng ta. Ngài không xem chúng ta là một bản dạng bị chia rẽ. Chúa nói: “Đừng cố gắng làm cho phần xấu của con trở nên tốt hơn. Con không thể tự làm điều đó được. Cho dù con có thể làm tốt hơn bao nhiêu đi chăng nữa, sẽ không bao giờ là đủ tốt, bởi vì Ta hoàn hảo. Hãy trao cho Ta cả phần tốt và phần xấu của con và để Ta làm cho con được trọn vẹn.”

Làm sao chúng ta có thể kinh nghiệm ân điển của Đức Chúa Trời?

Thật khó để hiểu ân điển mà không hiểu luật pháp. Chúng ta thấy luật pháp hoàn hảo của Đức Chúa Trời, mệnh lệnh của Ngài, cách Ngài muốn chúng ta sống… và thành thật mà nói, chúng ta thường không đo lường được. Chúng ta làm gì với luật pháp, với mệnh lệnh của Chúa? Luật pháp giống như một tấm gương cho chúng ta. Khi nhìn vào gương, bạn có thể thấy một vết bẩn lớn trên mặt mà bạn không biết nó đã có ở đó. Chiếc gương không thể loại bỏ bụi bẩn, nhưng bạn thực sự vui mừng vì đã nhìn vào chiếc gương đó trước khi bước ra khỏi cửa. Cũng vậy, luật pháp của Chúa phơi bày những khuyết điểm, tội lỗi của chúng ta, và chúng ta thật biết ơn khi nhìn thấy chúng, để đem chúng đến với Chúa, và Chúa sẽ xử lý chúng nhờ ân điển của Ngài. Ga-la-ti 3:24 cho biết: “Như thế, luật pháp là người hướng dẫn chúng ta đến Đấng Christ, để bởi đức tin chúng ta được xưng công chính.” Khi đến với Đấng Christ, chúng ta biết mình cần một Đấng Cứu Rỗi. Sự thật là trong suốt quãng đời còn lại của mình, chúng ta sẽ luôn cần đến một Đấng Cứu Rỗi.

Hê-bơ-rơ 4:13-16 nói: “Chẳng loài thọ tạo nào có thể che giấu được trước mặt Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mắt Đấng mà chúng ta phải khai trình. Do đó, vì chúng ta có một thầy tế lễ thượng phẩm vĩ đại đã vượt qua các tầng trời là Đức Chúa Jêsus, Con Đức Chúa Trời, nên hãy giữ vững những điều chúng ta xưng nhận. Vì chúng ta không có một thầy tế lễ thượng phẩm chẳng có thể cảm thông sự yếu đuối chúng ta, nhưng có một thầy tế lễ bị cám dỗ đủ mọi cách như chúng ta, song chẳng phạm tội. Vậy, chúng ta hãy vững lòng đến gần ngôi ân điển, để nhận được sự thương xót và tìm được ân điển giúp đỡ chúng ta kịp thời.”

Đến trong chân lý và sự khiêm nhường

Chúng ta có thể kinh nghiệm được ân điển khi chúng ta đến trước ngai ân điển, trong chân lý và khiêm nhường. Ngược lại với việc đến trong chân lý là khi chúng ta cố gắng che giấu và không đưa ra ánh sáng.

Tôi sẽ thẳng thắn chia sẻ một lĩnh vực trong cuộc sống của mình mà tôi cần phải trình lên cho Chúa, đến trước ngai ân điển của Ngài. Toàn bộ lĩnh vực về thực phẩm là một khó khăn đối với tôi trong phần lớn cuộc đời. Tôi không bao giờ nhớ rằng mình là một đứa trẻ nặng cân khi còn nhỏ, nhưng tôi nhớ khi tôi học lớp 10, bạn bè của tôi (những người nhẹ cân hơn tôi) đã phàn nàn về việc họ mập như thế nào. Và tôi nghĩ: “Nếu họ nghĩ rằng họ mập và tôi còn nặng hơn họ, thì tôi phải thực sự mập lắm!” Tôi nghĩ lúc đó tôi nặng khoảng 54kg. Tôi nhớ đó là khi thức ăn bắt đầu trở thành một vấn đề trong cuộc sống của tôi. Tôi phải nghĩ xem mình không nên ăn gì, điều đó khiến tôi càng muốn ăn thêm.

Mẹ tôi sẽ nói những điều như: “Mẹ nghĩ con sẽ mặc quần áo đẹp hơn nếu con không ăn cái đó. Tại sao con không thử giảm cân?” Mẹ tôi thậm chí còn đưa tôi đến gặp một bác sĩ về cân nặng.

Lên đại học, biết rằng tôi không nên ăn một số thứ, tôi tìm kiếm đồ ăn và sau đó tôi sẽ giấu đi. Tôi thường giấu các thanh sô-cô-la Hershey trong ngăn kéo của mình. Có một lần, tôi giấu cái bánh cả nửa cân dưới gầm giường. Và nếu ai đó nói rằng không nên ăn món đó, tôi sẽ muốn ăn gấp 10 lần. Có hai cửa hàng hamburger gần trường. Tôi có thể nhớ là mình đã đến một cửa hàng và gọi một chiếc bánh mì kẹp pho mát, khoai tây chiên và một cốc coca rồi thưởng thức chúng. Sau đó, tôi lên xe và đi xuống cửa hàng bán bánh mì kẹp thịt tiếp theo và tôi sẽ gọi một chiếc bánh mì kẹp phô mai khác, khoai tây chiên và sinh tố. Tôi quá xấu hổ khi lấy nhiều thức ăn như vậy ở cùng một nơi nên tôi sẽ lấy ở hai nơi khác nhau. Và nếu tôi có ít thời gian hơn, tôi sẽ đến một nơi và nói: “Để xem. Tôi muốn một cái bánh mì kẹp phô mai, khoai tây chiên và một cốc coca.” Sau đó, tôi sẽ nói: “Bây giờ anh ấy muốn gì nữa nhỉ? À đúng rồi, anh ấy muốn một chiếc bánh hamburger, một cốc coca và khoai tây chiên.” Tôi hành động như thể tôi đang gọi món cho hai người. Và tôi sẽ đi ra ngoài và ăn tất cả. Nhưng tôi đã che giấu điều đó. Tôi đã phải nói dối.

Tự do khỏi sự che giấu

Khi tôi đến với Đấng Christ, Ngài đã chấp nhận con người thật của tôi và dần dần qua nhiều năm, tình trạng ăn uống của tôi đã được chữa lành một phần nào đó. Hồi đó, tôi đã là một người nghiện ăn và trong nhiều năm, Chúa đã cất đi khỏi tôi hầu hết chứng nghiện ăn đó.

Nhưng đôi khi tôi sẽ đấu tranh, đặc biệt là với những suy nghĩ của mình. Ví dụ, tôi biết mình sẽ phát biểu tại một hội nghị lớn dành cho người độc thân ở Keystone, Colorado, và tôi nghĩ: “Mình phải giảm cân trước khi đến Keystone”. Tôi sẽ cố gắng và tôi không thể làm được. Vì vậy, tôi nghĩ: “Được rồi, thứ hai tuần sau tôi sẽ bắt đầu.” Và thời gian đang đến gần nên khoảng hai tuần trước khi tôi đến hội nghị, tôi vẫn muốn giảm khoảng 5kg. Tôi càng cố gắng thì tôi càng ít làm được hơn. Tôi tâm sự với một người bạn thân: “Kay ơi, bạn biết đấy, tôi thực sự rất chán nản về cân nặng của mình. Tôi không thấy ổn gì cả. Tôi muốn giảm khoảng 5kg trước khi đến Keystone.” Tôi nói với cô ấy những gì tôi lo lắng. Rồi cô ấy nhìn tôi và nói: “Ney, bạn có nghĩ rằng họ sẽ yêu bạn hơn tại hội nghị đó nếu bạn nhẹ cân hơn không?” Và tôi đã nghẹn ngào nói: “Bạn biết đấy Kay, tôi nghĩ có điều gì đó trong tôi nghĩ như vậy.” Kay nhìn tôi và nói: “Ney, tôi yêu thương bạn như chính con người bạn là vậy. Tôi không quan tâm bạn nặng bao nhiêu.” Rồi tôi bắt đầu khóc. Kay, bạn tôi, đã biểu lộ ân điển đối với tôi khi tôi hạ mình xuống và nói với cô ấy sự thật. Và bạn biết gì không? Tôi đã tìm thấy một nguồn nội lực mới mẻ và đã giảm được một số cân nặng đó.

Điều gì luật pháp không làm được thì ân điển đã làm được. Trong Hê-bơ-rơ 13:9 nói rằng: “Tấm lòng nhờ ân điển được vững mạnh là tốt”. Đức Chúa Trời cũng sẽ làm như vậy cho chúng ta, nếu chúng ta thành thật đến với Ngài.

Hãy xem Lu-ca 18:9-14, nơi Chúa Giê-xu kể ngụ ngôn này: “Đức Chúa Giê-xu lại kể ẩn dụ nầy cho một số người tự cho mình là công chính mà khinh bỉ những người khác: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện: một người Pha-ri-si và một người thu thuế. Người Pha-ri-si đứng dậy và cầu nguyện về mình như thế nầy: ‘Lạy Đức Chúa Trời, con tạ ơn Ngài, vì con không phải như những người khác: tham lam, bất nghĩa, gian dâm, cũng không phải như người thu thuế nầy. Con kiêng ăn mỗi tuần hai lần, và nộp một phần mười về mọi lợi tức của con.’ Còn người thu thuế đứng xa xa, thậm chí không dám ngước mắt lên trời, chỉ đấm ngực thưa: ‘Lạy Đức Chúa Trời, xin thương xót con, vì con là một tội nhân!’ Ta bảo các con, người nầy trở về nhà mình, được xưng công chính chứ không phải người kia. Vì ai tự tôn cao sẽ bị hạ xuống, còn ai tự hạ xuống sẽ được tôn cao.”

Đến với lòng thành thật và đức tin

Nếu chúng ta từ chối hạ mình và tiếp nhận ân điển của Chúa thì chúng ta không có mối quan hệ với Ngài. Khi chúng ta đến với Chúa và nói với Ngài rằng chúng ta đang thiếu sót như thế nào trong những lĩnh vực đó thì Ngài sẽ đáp ứng nhu cầu của chúng ta bằng ân điển của Ngài. Chúa không đòi hỏi chúng ta phải thay đổi chính mình. Thay vào đó, Ngài yêu cầu chúng ta đến với Ngài trong sự thành thật và đức tin, và trao mọi lo lắng của chúng ta cho Ngài. (I Phi-e-rơ 5:5-7)

Những người khỏe mạnh nhất là những người ý thức được mình thiếu sót ở đâu và thay vì phòng thủ, họ có thể nói: “Lạy Chúa xin thương xót con là kẻ có tội.”

Người Pha-ri-si rất cố gắng để trở nên thánh, tuân giữ luật pháp, nhưng động cơ của họ là để gây ấn tượng với người khác. Chúa Giê-xu gọi họ là “mồ mả tô trắng”. Bề ngoài họ có vẻ tốt đẹp, nhưng bên trong họ đã chết và lòng họ cay đắng Chúa Giê-xu. Chẳng hạn, họ đã đi đến tận cùng để thi hành luật “không được làm việc trong ngày Sa-bát”. Khi Chúa Giê-xu, vì lòng thương xót chữa lành cho một người trong ngày Sa-bát, họ đã chỉ trích Ngài vì điều đó.

Đôi khi chúng ta dễ có mối quan hệ với luật pháp hơn là có mối quan hệ với Đức Chúa Trời. Và Sa-tan muốn chúng ta tập trung vào luật pháp (các mệnh lệnh của Đức Chúa Trời) hơn là để chúng ta tập trung vào Chúa.

Chúng ta có muốn kinh nghiệm ân điển của Đức Chúa Trời không? Chúng ta cần đến trong chân lý và khiêm nhường. Gia-cơ 4:6 nói rằng: “Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ân điển cho người khiêm nhường.”

Cách đây vài năm, một phụ nữ trẻ đến gặp tôi vào cuối buổi hội thảo. Khuôn mặt của cô ấy đầy tối tăm, cô ấy có vẻ cảm thấy rất nặng nề và bị lên án. Khi chúng tôi bắt đầu nói chuyện, tôi nhận ra rằng Đấng Christ ở trong đời sống của cô ấy, nhưng cô ấy có một thói quen trong đời sống khiến cô rất xấu hổ. Cô đã cố gắng thoát khỏi nó, nhưng vô ích. Cô ấy không thể dừng lại được. Bất chấp tất cả lời thề nguyện và nỗ lực của mình, cô ấy không thể ngăn chặn nó. Và khi nó xảy ra, cô ấy cảm thấy thật khủng khiếp, cô cảm thấy bị định tội. Tôi giải thích với cô ấy rằng Sa-tan thích chúng ta phạm tội và hắn thích dùng nó đánh vào đầu chúng ta rồi lên án chúng ta. Tôi hỏi cô đã bao giờ mang thói quen đó đến với Chúa chưa. Cô ấy bảo là chưa. Cô ấy rất xấu hổ về điều đó đến nỗi cô ấy chưa bao giờ mang nó đến với Chúa.

Tôi nói: “Lần sau nếu điều này xảy ra, thay vì tự cô lập, bị lên án, tôi muốn bạn dùng tội lỗi của mình để nhắc nhở bạn về tình yêu của Chúa.” Tôi nói với cô ấy rằng lần tới khi cô ấy ở trong tiến trình này, cô nên đưa nó ra ánh sáng, nói điều gì đó giống như vậy: “Lạy Chúa, con cảm ơn Ngài vì con thuộc về Ngài. Lạy Chúa, con cảm ơn Ngài vì Ngài yêu con. Lạy Chúa, huyết của Chúa Giê-xu Christ rửa sạch con khỏi mọi tội lỗi. Thưa Chúa, con thừa nhận tội lỗi của mình, nhưng con không thể làm khác trừ khi Chúa cho phép con. Chúa ơi, con đặt ý muốn của con; Con đặt chính mình đứng về phía Ngài và Lời của Ngài. Nguyện Chúa sẽ hành động trong con và qua con bởi Thánh Linh của Ngài những gì con không thể làm cho chính mình.

Tôi đã cầu nguyện với cô ấy và chúng tôi cùng nhau tạ ơn Chúa vì ân điển và sự bình an của Ngài. Đối với tôi, điều rất rõ ràng là cô ấy muốn quay lại và ăn năn về tội lỗi này và cô ấy đã làm như vậy. Vài tháng sau, tôi nhận được một bức thư từ cô ấy vì tôi đề nghị cô ấy viết thư cho tôi để cho tôi biết cô ấy thế nào. Trong thư, cô ấy nói rằng cô ấy đã làm những gì tôi bảo cô ấy làm và cô ấy nói: “Ney, tôi ngạc nhiên là trong vài tháng nay, mọi thứ khiến tôi lo lắng đã giảm đi rất nhiều so với trước đây.” Cô ấy đã từng ở trong vòng kìm kẹp của tội lỗi và ở bên ngoài ân điển. Khi hạ mình xuống trước Chúa và trước tôi, cô ấy mang tội lỗi của mình ra trước ánh sáng ân điển của Đức Chúa Trời, Ngài đã gặp cô ấy ở đó.

Tin thì nhận được

Hê-bơ-rơ 4:13: “Chẳng loài thọ tạo nào có thể che giấu được trước mặt Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mắt Đấng mà chúng ta phải khai trình..” Rô-ma 5:20 nói: “Luật pháp đã đến làm cho tội lỗi gia tăng; nhưng nơi nào tội lỗi gia tăng thì ân điển lại càng dư dật hơn.” Ân điển Chúa ở đó nhưng chúng ta phải tin thì mới nhận lãnh được. Chúng ta phải nắm lấy Lời Chúa rằng ân điển của Ngài ở đó, để có thể nhận được nó. Có người đã nói rằng hoàn toàn có một điều kiện không thể tránh khỏi phải được đáp ứng nếu ân điển muốn thay đổi một con người, đó là phải tin vào ân điển của Đức Chúa Trời. Chúng ta phải đáp lại Đức Chúa Trời bằng một sự tin cậy đáp ứng. Và Ngài sẽ hành động.

Nếu tôi có thể biết rằng Đức Chúa Trời hoàn toàn đáng tin cậy, nếu tôi có thể biết rằng tình yêu của Ngài là hoàn toàn có thật, rằng lòng nhân từ của Ngài là hoàn toàn chân thật, rằng sự quan tâm của Ngài dành cho tôi thực sự có nghĩa là một cuộc sống sung mãn, thì Ngài sẽ làm những gì thuộc về bản chất của Ngài để làm. Chúa sẽ đến với tôi sâu thẳm nơi tôi thực sự sống. Ân điển của Ngài có thể biến đổi tôi. Ân điển có thể chạm đến những động cơ sâu xa nhất trong lòng tôi và Ngài có thể biến đổi tôi trở nên con người mới. Đây chính là điều mà Đức Chúa Trời cam kết thực hiện cho chúng ta. Chúa phán: “Ta sẽ đặt luật pháp Ta trong trí họ, và ghi tạc vào lòng họ. Ta sẽ làm Đức Chúa Trời họ, và họ sẽ làm dân Ta.” (Hê-bơ-rơ 8:10) Đức Chúa Trời sẽ dùng ân điển Ngài làm trong đời sống chúng ta điều luật pháp bên ngoài không thể làm được.

II Cô-rinh-tô 3:18 chép: “Tất cả chúng ta đều để mặt trần chiêm ngưỡng vinh quang Chúa, được biến đổi trở nên giống như hình ảnh Ngài, từ vinh quang đến vinh quang; vì điều nầy đến từ Chúa là Thánh Linh.” Sự biến đổi là một quá trình. Khi chúng ta tin cậy Chúa và tin cậy Lời Chúa, Ngài sẽ tự do biến đổi tấm lòng và tâm trí chúng ta. Nhưng cần phải hiểu rằng sự biến đổi này không xảy ra tất cả cùng lúc. Đó là một quá trình.

Lewis Sperry Chaffer đã viết một cuốn sách rất đầy đủ về ân điển và ông nói: “Lời Chúa xác chứng rằng mọi khía cạnh của sự cứu rỗi và mọi phước lành thiêng liêng của ân điển đều được ban cho dựa trên điều chúng ta tin, dù trong hiện tại hay cõi đời đời.”

Đức Chúa Trời biến đổi chúng ta bởi ân điển của Ngài

Vậy làm thế nào chúng ta kinh nghiệm được ân điển của Đức Chúa Trời? Chúng ta đến với Chúa trong sự yếu đuối, bất lực, tội lỗi và thất bại của mình. Chúng ta chọn tin vào tình yêu của Ngài và vào khả năng biến đổi chúng ta của Ngài khi chúng ta yên nghỉ trong ân điển của Ngài. Kết quả là chúng ta tăng trưởng.

II Phi-e-rơ 3:18 nói: “Chúng ta tăng trưởng trong ân điển và sự hiểu biết Cứu Chúa chúng ta là Đức Chúa Giê-xu Christ.”

Trong câu chuyện về người con trai hoang đàng ở Lu-ca chương 15, người con hoang đàng đó đã bỏ nhà đi, phung phí tài sản của cha mình, cuối cùng nhận ra nhu cầu của chính mình và lòng nhân từ vốn có của cha mình (câu 17). “Bấy giờ nó mới tỉnh ngộ, tự nhủ: ‘Biết bao nhiêu người làm mướn cho cha ta được ăn bánh dư dật mà ở đây ta phải chết đói! Ta sẽ đứng dậy trở về cùng cha và thưa với cha: Cha ơi, con đã phạm tội với trời và với cha, không xứng đáng gọi là con của cha nữa. Xin cha xem con như người làm thuê của cha vậy.’ Nó liền đứng dậy, trở về với cha mình. Người con ấy đã thành thật khi trở về với cha. Nhưng bạn biết gì không? Người anh trai không thích đứa em hoang đàng này một chút nào. Người anh trai đã trách người cha vì đã mở rộng ân điển cho đứa con hoang đàng chính là đại diện cho chủ nghĩa luật pháp. Bởi vì người anh trai đó đã nói rằng người em không giữ luật, nó không xứng đáng với ân điển của cha. Nhưng người cha vẫn yêu đứa con hoang đàng bất kể nó đã làm gì.

Mối quan hệ với Đức Chúa Trời mạnh mẽ hơn luật pháp. Sa-tan muốn chúng ta dính líu đến luật trong chủ nghĩa luật pháp để chúng ta đi vòng quanh mặc cảm tội lỗi và bị kết án mọi lúc. Nhưng Chúa phán trong Rô-ma 8:1: “Vậy bây giờ, những ai ở trong Đấng Christ Giê-xu sẽ không bị kết tội nữa;” Khi ở dưới ân điển, chúng ta có nhiều hơn những gì mình có. Chúng ta có Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời giúp chúng ta làm theo ý muốn của Ngài. Đời sống đầy dẫy Thánh Linh là từng giây từng phút nhận ra ân điển của Ngài. Đời sống đầy dẫy Thánh Linh là thừa nhận khi ta thất bại và tiếp tục mang điều đó trở lại với Chúa. Đó là khi chúng ta chịu trách nhiệm cá nhân về tội lỗi của mình và cầu xin Chúa thay đổi chúng ta để mang lại sự tăng trưởng.

Trên thập giá, Chúa Giê-xu đã chết vì tội lỗi của chúng ta, vì sự xấu xa của chúng ta. Chúng ta có tội và Ngài đã trả giá cho tội lỗi đó. Khi chúng ta thú nhận tội lỗi của mình, chúng ta đang lưu tâm đến những gì sai trật và những gì mà thập tự giá đã phải trả giá. Trở thành một người nam hay nữ của Đức Chúa Trời là vấn đề của sự khiêm nhường và lòng trung thực về tội lỗi của chúng ta cũng như chấp nhận ân điển của Ngài và lớn lên trong đức tin.

John Powell đã nói điều này: “Chúng ta nghĩ rằng mình phải thay đổi, trưởng thành và trở nên tốt để được yêu thương. Nhưng đúng hơn, chúng ta được yêu thương và chúng ta nhận được ân điển của Ngài để chúng ta có thể thay đổi, tăng trưởng và trở nên tốt.”

Giới hạn duy nhất cho sự chữa lành trong cuộc sống của chúng ta là mức độ không mở lòng của chúng ta. Để phát triển, chúng ta phải cam kết với những điều đúng đắn. Ân điển của Đức Chúa Trời ban cho chúng ta sự tự do để đối mặt với Đức Chúa Trời và đối mặt với sự thật về chúng ta dưới ánh sáng của Lời Chúa. Biết rằng chúng ta được Chúa hoàn toàn yêu thương và chấp nhận, Ngài kêu gọi chúng ta đến với Ngài và trao phó mọi sự để Ngài có thể giúp chúng ta kinh nghiệm sự tự do (Giăng 8:32) và một đời sống sung mãn càng hơn (Giăng 10:10).

Không còn sự định tội

Tôi nhớ có một phụ nữ trẻ đến gặp tôi để được tư vấn. Theo mô tả của cô ấy, bụng cô như thắt lại, cảm giác tội lỗi tràn ngập và cô không ngủ được. Trong cô đầy ắp sự lên án, sợ hãi và nhục nhã lạ thường. Sở dĩ cô cảm thấy như vậy là vì cô đã phạm tội vô luân. Cô ấy biết lời Chúa nói rằng cô ấy không được phạm tội theo cách đó. Cô bị mắc kẹt vào một trang web và cô không dám nói với bất cứ ai vì cô sợ bị mọi người khước từ. Cúi đầu xuống, cô buột miệng kể lại toàn bộ câu chuyện. Cô đã không cầm giữ lại bất cứ điều gì vì cô ấy cần giúp đỡ. Cô thực sự hối hận về tội lỗi của mình. Cô đã ăn năn. Trước sự có mặt của tôi, cô ấy đã xưng nhận tội lỗi của mình với Chúa và cô ấy đã nhận được sự tha thứ và ân điển của Ngài. Sau đó, cô ấy nói với tôi rằng lúc cô đến, cô đang ở trong một nhà tù nội tâm về cảm xúc. Và những gì cô tìm thấy sau khi cô đến, thay vì bị từ chối, là tình yêu và sự chấp nhận.

Vài tháng sau tôi nhận được một lá thư. Cô ấy nói: “Xiềng xích của tôi đã bung ra, cánh cửa ngục tối mở ra, cả trăm cân gánh nặng được nhấc khỏi người tôi. Tôi đã có một cảm giác tự do và tươi mới. Khi tôi ở trong sự hiện diện của bạn, tôi đã không làm được bất cứ điều gì. Bạn mới là người đã làm điều gì đó. Chính là con người của bạn. Bạn đã thể hiện tình yêu, sự chấp nhận và sự tha thứ của Ngài đối với tôi.” Lúc đó tôi đã yêu cầu cô ấy giải trình trách nhiệm với tôi và sau đó cô ấy nói với tôi rằng giải trình trách nhiệm chưa bao giờ là gánh nặng. Nhưng cô cảm thấy an toàn vì cô ấy đang giải trình trách nhiệm với người đã mở rộng ân điển. Cô ấy tiếp tục nhận thêm sự giúp đỡ và hiểu rõ hơn về nhu cầu của chính mình. Cô ấy nói rằng ân điển trở nên có giá trị nhiều hơn không chỉ là về mặt thần học khi chính cô trải nghiệm ân điển ấy.

Luật pháp là tốt lành, thánh khiết và hoàn hảo đã phơi bày tội lỗi của cô như một tấm gương. Cô hạ mình. Cô thú nhận. Cô đã nói sự thật với chính mình, với tôi, với Chúa. Và đó là khi cô nhận được ân điển cho mình trong lúc cần kíp. Việc phơi bày tội lỗi của cô ra ánh sáng với Chúa trong sự khiêm nhường và chân thật đã cho phép cô nhận được ân điển của Ngài và để cô tự do tăng trưởng.

Hãy nghĩ về lĩnh vực của riêng bạn hoặc những lĩnh vực mà bạn cảm thấy bị lên án hoặc bạn sợ bị khước từ … nơi bạn không cảm thấy mình hoàn hảo. Chúng ta cần đến với Ngài trong sự khiêm nhường và lẽ thật khi chúng ta thiếu hụt luật pháp của Đức Chúa Trời. Không cần phải che giấu. Không cần phải nói dối. Không cần phải bị lên án.

“Vậy bây giờ, những ai ở trong Đấng Christ Giê-xu sẽ không bị kết tội nữa; vì luật của Thánh Linh sự sống trong Đấng Christ Giê-xu đã giải phóng tôi khỏi luật của tội lỗi và sự chết. Vì điều gì luật pháp không thể làm được … Đức Chúa Trời đã làm rồi: Ngài đã sai chính Con Ngài … để sự công chính mà luật pháp đòi hỏi được thực hiện đầy đủ trong chúng ta, là những người không sống theo xác thịt, nhưng sống theo Thánh Linh.” (Rô-ma 8:1-4)

“Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho người khiêm nhường. Vậy, hãy hạ mình dưới cánh tay quyền năng của Đức Chúa Trời, để đến thời điểm thích hợp Ngài sẽ nhấc anh em lên. Hãy trao mọi điều lo lắng mình cho Ngài, vì Ngài luôn chăm sóc anh em.” (I Phi-e-rơ 5:5-7)

“Nếu Đức Chúa Trời đứng về phía chúng ta thì còn ai nghịch với chúng ta? Ngài đã không tiếc chính Con mình, nhưng vì tất cả chúng ta mà phó Con ấy cho, thì Ngài lại không ban mọi sự cùng với Con ấy cho chúng ta sao?... Đấng Christ Giê-xu … là Đấng cầu thay cho chúng ta? Ai sẽ phân rẽ chúng ta khỏi tình yêu thương của Đấng Christ?... Vì tôi đoan chắc rằng dù sự chết, sự sống... hoặc một tạo vật nào cũng không thể phân rẽ chúng ta khỏi tình yêu thương của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ Giê-xu, Chúa chúng ta.” (Rô-ma 8:31-39)

(1) Tự do nhận lấy – Sức mạnh thay đổi cuộc đời của ân điển, viết bởi Joseph R. Cooke (đã hết bản in)

Được cho phép trích từ cuốn sách Đức tin không phải là cảm xúc của Ney Bailey.
Bài đọc thêm: Những thay đổi chữa lành của Tiến sĩ Henry Cloud. NXB Zondervan