Tôi là Cơ Đốc Nhân mới…Tiếp theo là gì?
Một người bắt đầu đời sống Cơ Đốc Nhân từ đâu?
Barbara Francis
Tôi trở thành Cơ Đốc Nhân khi đang là sinh viên năm nhất Đại học Oregon. Trên thang điểm từ 1 đến 10 của những điều tôi đã biết về Chúa và Kinh Thánh (1 được coi như là “không hẳn là thứ gì vớ vẩn” và 10 được coi như là “tôi lớn lên trong một tu viện), thì chắc tôi ở -30 điểm. Tôi chưa từng đi nhà thờ khi lớn lên và sống một cuộc đời phóng túng trước khi biết Chúa.
Tôi đã từng thử đọc Kinh Thánh, nhưng, thật ngớ ngẩn, tôi đã đọc từ đầu sách (ai mà biết lại sách lại có 2 phần cơ chứ?) và khi đọc được khoảng 20 chương trong Sáng Thế Ký thì tôi bỏ cuộc. Nhiều năm sau, tôi phát hiện ra rằng cũng có một cuốn Tân Ước và đó là chỗ mà tôi có thể tìm hiểu về Chúa Giê-xu… và bạn ơi, tôi đã có rất nhiều điều để học.
Vậy thì một người bắt đầu đời sống Cơ Đốc Nhân từ đâu đây? Làm thế nào chúng ta có thể tăng trưởng và biết Chúa nhiều hơn? Đó là những câu hỏi đầu tiên mà tôi tự hỏi khi bắt đầu mối quan hệ với Chúa. Có thể bạn cũng đang có những câu hỏi đắn đo tương tự. Tôi biết quá ít về những gì thuộc về Đức Chúa Trời đến nỗi tôi gặp khó khăn trong việc diễn đạt một số suy nghĩ của mình. Nhưng may mắn thay, tôi có biết một Cơ Đốc Nhân lớn tuổi hơn, anh đã giới thiệu cho tôi bốn cách đơn giản để đi trên con đường trưởng thành. Tôi vẫn còn nhớ và vẫn sử dụng chúng mặc dù tôi đã bước đi với Chúa Giê-xu hơn 30 năm rồi. Tôi cầu nguyện để chúng sẽ là nguồn động lực hữu ích khi bạn khám phá ra những điều tiếp theo trong đời sống mang tên Cơ Đốc Nhân này.
Lắng nghe Chúa
Kinh Thánh chính là lời và ý muốn của Đức Chúa Trời, được gìn giữ cho chúng ta để chúng ta có thể biết Ngài là ai và Ngài muốn gì cho cuộc đời chúng ta. II Ti-mô-thê 3:16-17 chép: “Cả Kinh Thánh đều được Đức Chúa Trời cảm thúc, có ích cho sự dạy dỗ, khiển trách, sửa trị và huấn luyện trong sự công chính để người của Đức Chúa Trời được toàn vẹn và sẵn sàng cho mọi việc lành.” Đó là lý do tại sao chúng ta cần dành thời gian đọc Kinh Thánh mỗi ngày. Nếu bạn không có một quyển Kinh Thánh dễ hiểu, hãy tìm đến hiệu sách Cơ Đốc gần nơi bạn để mua một quyển. Hoặc bạn có thể tìm đến nhà thờ Tin Lành gần đó. Một số bản dịch gợi ý là “Kinh Thánh Tiếng Việt Hiệu Đính VIE2020”, “Kinh Thánh Bản Dịch Mới NVB”, “Kinh Thánh Hiện Đại KTHD". Hãy bắt đầu với sách Tin Lành Giăng trong Tân Ước. (Sách này, đôi khi được gọi đơn giản là “Giăng”, là sách thứ tư trong Tân Ước, gần phần đầu, đừng nhầm với I Giăng, II Giăng và III Giăng, được tìm thấy ở phần cuối của Tân Ước.) Tôi thích sử dụng nhật ký hoặc tập giấy để viết ra các câu hỏi và sự quan sát. Trả lời hai câu hỏi sau cho mỗi chương: Tôi học được gì về Đức Chúa Trời hoặc Chúa Giê-xu? Những điều gì được thảo luận mà tôi nên bắt đầu thực hành hoặc tránh hoàn toàn không? Điều này sẽ giúp bạn thấy rằng Kinh Thánh rất thiết thực cho cuộc sống của bạn ngày nay. Sau khi bạn hoàn thành sách Giăng, hãy tiếp tục đọc hết phần Tân Ước cho đến sách Khải Huyền.
Khi đọc Kinh Thánh, chúng ta học biết rằng chúng ta được Đức Chúa Trời yêu thương biết bao. “Hãy xem Đức Chúa Cha đã ban cho chúng ta tình yêu thương lớn dường nào, đến nỗi chúng ta được gọi là con cái của Đức Chúa Trời, và chúng ta thật là con cái Ngài!" (I Giăng 3:1). Chúng ta biết rằng chúng ta là những người hoàn toàn mới vì chúng ta đã mời Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa và Chủ của mình. Đọc Ê-phê-sô 1:3-14 và dành một chút thời gian để liệt kê tất cả những điều đúng đắn đối với bạn với tư cách là một Cơ Đốc Nhân. Thật tuyệt vời phải không bạn?
Nói chuyện với Chúa
Cầu nguyện là một khía cạnh quan trọng để bước đi mạnh mẽ với Chúa. Có lẽ đó là phần tôi thích nhất trong mối quan hệ của tôi với Đức Chúa Cha. Hãy nghĩ về điều đó, chúng ta có thể nói chuyện với CHÚA! Bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu, bất kể tâm trạng, bất kể trong mùa cám dỗ hay khi vui mừng. Hê-bơ-rơ 13:5 cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ lìa bỏ hay từ bỏ chúng ta. Đó là tin tốt lành cho một số người trong chúng ta, những người chưa bao giờ biết đến loại tình yêu và sự cam kết đó. Hãy xem, chúng ta có được điều đó ngay bây giờ…vì Chúa không nói dối hay thay đổi ý định của Ngài (Dân số ký 23:19; Tít 1:2; Hê-bơ-rơ 6:18). Và bởi vì Ngài luôn ở với chúng ta, chúng ta luôn có thể trò chuyện với Ngài. Cầu nguyện đơn giản là nói chuyện với Chúa. Không cần phải theo tông màu hoặc từ ngữ tôn giáo. Thi thiên 62:8 kêu gọi chúng ta: “Hãy dốc đổ nỗi lòng mình ra trước mặt Ngài.”
Có một từ viết tắt là ACTS, đây là từ hữu ích cho tôi nhất khi tôi bắt đầu cầu nguyện. Hãy nhớ lại rằng tôi đã bắt đầu ở mức -30 điểm, vì vậy tôi CHẲNG BIẾT GÌ CẢ. Ở nhà tôi, chúng tôi không cầu nguyện, chúng tôi ước – ước nguyện trên những chiếc bánh sinh nhật trước khi nến bị thổi tắt hoặc trên ngôi sao đầu tiên tôi nhìn thấy trong đêm. Tôi chưa bao giờ cầu nguyện nên cảm thấy hơi lúng túng khi bắt đầu, nhưng việc sử dụng quy trình ACTS đã giúp tôi rất nhiều.
ACTS:
Adoration (Tôn kính).... là khi chúng ta ngợi khen Chúa vì Ngài là ai: yêu thương, tốt lành, nhân từ, thấu hiểu, đầy ân điển... Khi bạn đọc Kinh Thánh và viết ra những điều bạn học được về Chúa, bạn sẽ càng có nhiều điều để ca ngợi Ngài. Ngoài ra, hãy bắt đầu đọc một đoạn Thi Thiên mỗi ngày – mất khoảng 3 đến 5 phút – và ca ngợi Chúa về cách mỗi Thi Thiên bày tỏ những khía cạnh mới mẻ về tính cách và đường lối của Ngài.
Confession (Xưng tội)… là một yếu tố quan trọng để tăng trưởng. Tội lỗi cản trở mối thông công của chúng ta với Đức Chúa Trời. Chúng ta sẽ cảm thấy tội lỗi và xa cách nếu chúng ta có những thái độ và hành động sai trái trong đời sống. Đó là lúc sự xưng tội xuất hiện. Hãy xem trong sách I Giăng 1:9. Sau đó đọc Thi thiên 32:3-5 về hậu quả của tội lỗi chưa được xưng ra và cách đối phó với nó.
Thanksgiving (Tạ ơn)…là khi chúng ta nói lời cảm ơn Chúa vì tất cả những gì Ngài đã làm. Một lần nữa, Thi Thiên là một nơi tuyệt vời để nhắc nhở chúng ta về tất cả những gì Ngài đã làm cho chúng ta. Hãy sử dụng lời của các tác giả Thi Thiên như lời của bạn. Đó là một cách hay để học cách trò chuyện với Chúa.
Supplication (Khẩn nguyện) … là nơi chúng ta cầu nguyện cho cả bản thân và những người khác trong cuộc sống. Tôi thích giữ một danh sách cầu nguyện ghi chú ngày tôi bắt đầu cầu xin cho mình hoặc cầu thay cho người khác và ngày lời cầu nguyện được nhậm. Hãy cầu nguyện một cách cụ thể, mong đợi và trung tín. I Giăng 5:14-15 cho chúng ta biết rằng nếu chúng ta cầu nguyện theo ý muốn của Đức Chúa Trời thì Ngài sẽ nghe và nhậm lời. Nhưng bạn sẽ hỏi: “Làm sao tôi biết được ý muốn của Đức Chúa Trời?”. Điều đó đưa chúng ta trở lại nơi chúng ta bắt đầu… đọc lời Chúa.
Nói chuyện với những người biết Chúa
Điều này đơn giản được gọi là sự thông công, đi chơi với những người khác yêu mến Chúa Giê-xu. Bạn có thể gặp họ ở nhà thờ, trong một buổi học Kinh Thánh hoặc trong một nhóm nhỏ. Đó là vì mục đích cùng nhau phát triển (Công vụ 2:46-47). Nhiều người trong chúng ta sẽ cần kết bạn mới và học cách vui vẻ theo nhiều cách khác nhau. Bằng việc dành thời gian với các tín đồ, hành vi của chúng ta bắt đầu thay đổi và chúng ta biết được những tín đồ lớn hơn trông như thế nào và hành động ra sao.
Nói chuyện với người khác về Chúa
Điều này được gọi là làm chứng. Tôi thích những gì vị sứ đồ tận tụy Phao-lô viết trong II Cô-rinh-tô 5:17-20: “Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, người ấy là tạo vật mới, những gì cũ đã qua đi, nầy, mọi sự đều trở nên mới. Mọi điều đó đến từ Đức Chúa Trời, Đấng đã cho chúng ta được hòa giải với Ngài qua Đấng Christ, và giao cho chúng tôi chức vụ hòa giải. Ấy là, trong Đấng Christ, Đức Chúa Trời đã cho thế gian được hòa giải với Ngài, không kể tội lỗi cho loài người, và ủy thác cho chúng tôi sứ điệp hòa giải. Vậy, chúng tôi là đại sứ của Đấng Christ, Đức Chúa Trời dùng chúng tôi để khuyên mời. Chúng tôi nhân danh Đấng Christ nài xin anh em hãy làm hòa với Đức Chúa Trời.” Tôi chỉ cần nói với bạn bè mình về mối quan hệ mới của tôi với Đấng Christ! Bởi vì Ngài đã thay đổi cuộc đời tôi, tha thứ cho tôi và yêu tôi theo cách mà tôi không bao giờ biết là mình có thể được yêu, nên tôi muốn người khác có được những gì tôi đã có. Chắc chắn, không phải ai cũng hào hứng với toàn bộ mọi việc như tôi, nhưng tôi rất xác quyết về mong đợi này. Tôi lập một danh sách mười người hàng đầu mà tôi muốn nói chuyện về Chúa và sau đó chỉ đợi Ngài mở ra cơ hội để làm điều đó. Đáng mừng là giờ đây nhiều người cũng biết Đấng Christ. Tuyệt nhỉ?
Tôi cầu nguyện và mong rằng những suy nghĩ này sẽ giúp bạn có những bước đi đầu tiên bắt đầu hành trình thân mật hơn với Đấng Cứu Rỗi yêu dấu của chúng ta, Chúa Giê-xu.
Biết Chúa là một kinh nghiệm thú vị. Có những sinh viên ngay trong trường của bạn cũng đã cầu xin Chúa Giê-xu bước vào đời sống của họ và muốn giúp bạn phát triển. Nhấp vào đây để cho chúng tôi biết bạn muốn ai đó từ trường của mình gửi email lại cho bạn nhé.